Bán hàng online

Publish: : Last modified:01/08/2016 Tiếng Việt / Vietnamese

Bán hàng online là một xu thế mới đang dần trở nên phổ biến cùng với sự phát triển của internet. Tất cả mọi nơi có người lui tới trên internet đều có thể được dùng làm nơi kinh doanh. Một số các trang web nổi tiếng như:

  • Các web bán hàng xuyên quốc gia như amazon, ebay, alibaba…
  • Các website của các trung tâm mua sắm: aeon, nguyenkim, co-opmart, thegioididong…
  • Các website chuyên về bán hàng và cho thuê gian hàng như rongbay, chodientu, raovat, webmuaban…
  • Những trang chuyên bán vouchel khuyến mãi như hotdeal, muachung, 51deal …
  • Thêm vào đó là group, page hoặc trang cá nhân trên facebook và các mạng xã hội khác cũng được tận dụng làm nơi mua bán.

Có người xem là có thể kinh doanh

Có rất nhiều biến thể trong kinh doanh online, ở phần tiếp theo ta sẽ xem xét sự khác nhau của một số hình thức phổ biến:

Một số hình thức kinh doanh online

Mạng xã hội, ngay từ đầu đã là một công cụ quảng cáo tuyệt vời và gần như hoàn toàn miễn phí. Như Facebook với hơn một tỷ thành viên khiến cho chính nó cũng trở thành một thị trường tiềm năng. Mạng xã hội được xây dựng theo một khuôn mẫu chung cho tất cả, có hỗ trợ cả phần comment và thông báo, việc quản lí và nhận phản hồi từ khách hàng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Nhưng hình thức này có khuyết điểm cũng từ khuôn mẫu chung, nó không tạo được dấu ấn riêng biệt trong phong cách của từng shop. Sự khác nhau về hình thức chỉ là hình đại diện, hình nền, và số lượng người biết đến.

Facebook, mạng xã hội phổ biến nhất thế giới

Hình thức thứ hai là website, hiểu đơn giản là thuê một địa chỉ và xây dựng nó thành một cửa hàng, địa chỉ đó có thể trung gian qua một website mua bán, thuê địa chỉ trực tiếp từ nguồn cung cấp, hoặc thuê một gói website được hỗ trợ hoạt động, đã là thuê thì sẽ không còn miễn phí. Bù lại, ta có thể biến đổi nó theo ý thích. Các shop hoạt động với hình thức này cần đầu tư nhiều về quảng cáo vì website tự nó không được nhiều người biết đến như mạng xã hội. Vấn đề này cần lưu ý là đầu tư càng nhiều thì dung lượng tăng lên, kéo theo chi phí để duy trì cũng sẽ tăng.

Và loại hình kết hợp cả hai loại trên, “quảng cáo website trên mạng xã hội”. Loại hình này có tất cả ưu điểm của cả hai. Với các shop tương đối lớn còn kết hợp mặt bằng để phục vụ những khách hàng có nhu cầu xem trực tiếp. Nó chỉ có một khuyết điểm là chi phí bỏ ra cả về thời gian lẫn tiền bạc sẽ cao hơn.

Kết hợp để đạt hiệu quả tốt nhất

Lợi ích

Bán hàng online có nhiều ưu điểm, đầu tiên phải nói là sự tiện lợi. Thay vì phải tới tận nơi để xem hàng như phương pháp truyền thống thì giờ đây, chỉ cần một thiết bị kết nối internet là khách hàng có thể dạo qua hàng loạt shop, việc này tiết kiệm rất nhiều thời gian. Hơn nữa, thông tin sản phẩm được đính kèm và còn có phần bình luận phản hồi của những khách hàng đã mua trước, những yếu tố này khiến cho việc lựa chọn sản phẩm trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Kinh doanh chỉ có một mục đích là tạo ra lợi nhuận, riêng lợi nhuận về tiền bạc có thể tính theo công thức: Lợi nhuận = tổng thu – tổng chi.

Vậy có thể nói ngoài tăng thu, việc giảm chi cũng là một trong những cách làm tăng lợi nhuận kinh doanh. Việc mở shop trực tiếp đòi hỏi chi phí khá cao về mặt bằng, nhân viên, và kinh doanh online là phương pháp vô cùng hiệu quả để khắc phục vấn đề này. Với tiền vốn ít, không tốn tiền thuê mặt bằng, hoặc không cần đầu tư quá nhiều vào mặt bằng từ đó hạ thấp chi phí, giá thành sản phẩm cũng sẽ được giảm theo, việc này có lợi cho cả người mua và bán.

Rủi ro

Đầu tiên phải kể đến là thời gian, với những shop lớn nhiều người cùng làm thì vấn đề này không quá khó khăn, nhưng với những shop nhỏ, có thể chỉ một hoặc hai người giải quyết tất cả mọi chuyện từ nhận oder (nhận đơn hàng), ship (giao hàng), rồi tìm nguồn hàng, chăm sóc shop, trao đổi với khách… Tất cả những việc đó ngốn một khoảng thời gian không hề nhỏ, đặc biệt với lứa tuổi học sinh, sinh viên vẫn còn đi học. Và khi có sự cố xảy ra ngoài ý muốn thì không chỉ thời gian, mà có thể còn cả về mặt tâm lý hay sức khỏe.

Tiếp theo là vấn đề tình cảm. Người Việt thường dùng tình cảm để suy xét mọi việc, điều này chắc chắn sẽ không tốt nếu áp dụng trong tất cả trường hợp. Quan hệ mua bán không phải lúc nào cũng tốt đẹp nhất là khi liên quan tới chuyện tiền bạc. Những ví dụ điển hình như mua thiếu, bán chịu ngay cả với khách thân vẫn là không đảm bảo. Đến khi mọi chuyện đã xảy ra thì không chỉ mối quan hệ hai bên đổ vỡ mà còn có thể gây ra các thiệt hại khác và thời gian để giải quyết.

Rủi ro lớn nhất chính là sự tin tưởng, hình thức mua bán online vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Những chuyện “hứa một đằng làm một nẻo”, “hình với hàng khác nhau” đang diễn ra rất phổ biến. Ngược lại, người bán cũng không biết người mua là ai. Đôi khi đến tận nơi giao hàng mới biết là “địa chỉ ma” thì cũng đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Khó có thể nói là thật hay ảo!!!

Mua bán online dựa khá nhiều vào uy tín, nhưng uy tín là thứ thay đổi theo thời gian. Từ vấn đề này, việc “mua like” để tạo cảm giác shop có có uy tín cao cũng như việc cạnh tranh không lành mạnh với những tin đồn nhằm hạ uy tín cũng xảy ra khá thường xuyên.

Một số lưu ý khi mua hàng online

  • Có khá nhiều trang web giả mạo có giao diện giống với web gốc.
  • Không tiết lộ các thông tin bí mật như mật khẩu email.
  • Kiểm tra giá cả của mặt hàng đó ở các shop khác để có giá tốt nhất
  • Tham khảo phần phản hồi từ các khách hàng mua trước.
  • Nên sử dụng các hình thức trung gian kiểu “thanh toán tạm giữ” phải chờ xác nhận thì tiền mới được chuyển.
  • Xem và chọn hàng online, còn mua thì tốt nhất nên tới tận nơi.
  • Về điện tử, nên mua những mặt hàng có tem bảo hành và phải kiểm tra kĩ khi nhận hàng.
  • Giữ các hóa đơn hay giấy tờ cần thiết ít nhất cho đến khi hoàn toàn kết thúc việc mua bán.

Related articles

PAGE TOP ↑