Tết Việt Nam
Publish:
:
Tiếng Việt / Vietnamese
Không khí xuân đang ngập tràn trong ánh nắng, trên những cánh hoa mơn mởn hé nở trong sương sớm….. và không khí ấy còn được thể hiện rõ hơn trên gương mặt của những người con xa xứ đang háo hức chuẩn bị quay về nhà đón một cái tết đầm ấm, hạnh phúc bên gia đình. Dù theo thời gian những phong tục tập quán có thể được lưu giữ hay biến mất theo sự phát triển của xã hội nhưng dường như phong tục đón tết vẫn là một phần tất yếu trong đại bộ phận người dân đất Việt. Đó là thời điểm mà những ước vọng, niềm tin về một khởi đầu mới tốt đẹp hơn, may mắn hơn thay cho những muộn phiền của năm cũ đã qua.
Trải dọc theo chiều dài đất nước, nước ta chia ra làm 3 miền: Bắc, Trung và Nam. Vì vị trí địa lý, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, thời tiết hay thiên nhiên….có sự thay đổi nên người dân ở 3 miền này cũng có những phong tục đón tết khác nhau.
Miền Bắc – cầu kỳ và tinh tế
Miền Bắc là cực đầu của Tổ quốc, khí hậu lạnh và đặc biệt là địa hình vùng núi cao nên vừa vào xuân, ta đã có thể cảm nhận được không khí se lạnh của đất trời, của gió xuân, những cơn mưa phùn lất phất thấm trên cành đào đỏ thắm. Có thể nói tết ở miền Bắc cầu kỳ và tinh tế, ở đây nếu thiếu cành đào đỏ trong nhà xem như mất hẳn hương vị ngày tết.
Hoa Đào, biểu tượng của tết miền Bắc
Vào ngày tết, người dân hay bày mâm cổ đón ông bà. Mâm cổ ở miền Bắc thể hiện sự tinh tế, đặc sắc riêng của văn hoá ẩm thực nơi đây. Cổ tết Hà Nội không có món gỏi như ở Huế, không có dừa, mận như ở miền Nam mà có nhiều thức ăn phù hợp với không khí rét lạnh nơi đây. Thông thường trên mâm cổ thường có một bát canh mang đậm nét truyền thống được nấu với su hào, cà rốt, củ đậu thái hình hoa đẹp đẽ nấu với bóng thả. Một bát khoai tây hầm với đầu, cổ, cánh gà, một bát măng khô với giò, đĩa gà luộc, cá kho, giò lụa, xôi gấc…..Tết miền Bắc tuyệt đối không thể thiếu món bánh truyền thống là dưa hành với bánh chưng xanh, miếng bánh với nếp thơm ngon, bên trong nhân là đậu xanh với thịt bùi bùi, béo béo, dùng chung với kiệu chua, thịt kho…thật là một hương vị tuyệt vời mang đậm chất vùng miền. Ngoài ra còn có một món ăn truyền thống mà ít có ai biết đến để dùng trong đêm giao thừa đó chính là món chè kho. Lễ vật trong đêm giao thừa ngoài hương hoa, quả phẩm còn có thêm xôi đậu xanh, con gà luộc hoặc đầu heo….để thêm phần tinh tế người dân nơi đây còn cho thêm cau trầu rượu để mong mỏi được sự may mắn, bình an, thắm thiết.
Mâm cổ mang đậm phong cách truyền thống
Chợ tết miền Bắc cũng rất nhộn nhịp và đầy đủ những mặt hàng hoá khác nhau. Đặc biệt là trái cây ngày tết để làm ngủ quả là không thể thiếu. Thường trên mâm ngũ quả có năm loại trái cây chính là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách bày trái cũng khá đơn giản, những quả trái cây to tròn, óng ả mang hương vị ngon ngọt cũng thể hiện một lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên đã khuất. Bình thường thì tủ thờ là nơi bày biện đẹp nhất vì đây là nơi đầu tiên khách thấy khi bước vào nhà nên rất được coi trọng. Người dân miền Bắc khá coi trọng hình thức vì thế họ luôn thể hiện khả năng tinh tế của mình cho khách khứa biết thông qua các loại hàng hoá bày lên tủ thờ. Bây giờ thói quen bày rượu gạo lên tủ thờ đã thưa dần mà thay vào đó là các loại rượu đắt tiền và bắt mắt.
Người miền Bắc có kiêng kỵ khá nhiều trong ngày tết: họ kiêng treo những tranh xui xẻo, kiêng cho nước và lửa vào ngày tết vì nước là tài lôc và lửa là may mắn; xông nhà: những người “nặng vía” hay không hợp tuổi với gia chủ không nên đến xông nhà ngày đầu năm, hay tránh nói những lời xui xẻo, không hay, kiêng củ làm vỡ bát đĩa, chưỡi nhau……Hương vị tết miền Bắc đậm đà, cái không khí đón tết cùng với bao phong tục khiến cho lòng người luôn rạo rực chờ đón xuân về.
Miền Trung – chăm chút đến từng chi tiết
Đến với đất miền Trung – xứ sở của những bãi biển xinh đẹp, của những cái nắng bỏng da rát thịt, hay cùng lắng lòng với nhựng câu ca, câu hò ví dặm trên đất Huế mộng mơ, hay chiêm ngưỡng những ruộng muối trắng xoá đang vươn mình trên đất Bình Thuận,… những cảnh đẹp như thơ, như trong tranh vẽ khiến lữ khách say lòng. Và nơi đây không chỉ quyến rũ khách phương xa bằng những cảnh đẹp mê hồn ấy mà còn vì những nét đặc trưng trong phong tục tập quán của người dân địa phương, đặc biệt là trong ngày tết.
Miền trung lấy bánh tét làm món ăn truyền thống trong ngày tết
Nếu miền Bắc đón xuân với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành…..thì miền Trung lại náo nức đón xuân với hương thơm của nem chua, thịt giấm….Trong ba miền thì có lẽ không nơi nào mà người dân lại lam lũ, nghèo khó như nơi đây bởi khí hậu khắc nghiệt. Mặc dù vậy, mỗi dịp tết về cũng như khắp nơi trên cả nước, người dân miền Trung vẫn náo nức đón tết theo cách của mình. Dù giàu hay nghèo trong nhà mỗi người dân nơi đây nhất thiết phải có bánh tét, nem chua, thịt giấm…..không ai có thể biết những món ăn ấy nó ra đời từ bao lâu rồi chỉ biết rằng đó là truyền thống được truyền lại từ bao đời nay. Mặc dù nói là nghèo khó nhưng những món ăn ở miền Trung đặc biệt là những món ăn trong ngày tết rất giản dị nhưng lại được chế biến rất cầu kỳ, mâm cơm trong ngày tết tuy giản dị mà vẫn toát lên vẻ cao sang nhờ bàn tay khéo léo của người phụ nữ nơi đây. Bánh tết là bánh tét được gói trong lá xanh thẫm đẹp mắt, nhân bên trong bằng đậu xanh với mỡ ngon. Cái vị thơm ngọt của nếp, vị bùi của đậu xanh, vị béo mềm của mỡ lợn….tất cả hoà quyện vào nhau thật quyến rũ làm sao. Món bò bắp giấm được thái lát mỏng, đẹp ăn kèm với dưa chua ngọt. Đặc biệt trên mâm cỗ ngày tết của người miền Trung không thể thiếu một đĩa tôm chua.
Không quá cầu kỳ nhưng cũng không kém phần đặc sắc
Vào ngày 23 – đưa ông táo về trời, nếu như người dân miền Bắc có thói quen cúng cá chép thì ở miền Trung người dân có thói quen thả cá vàng. Vì người dân nơi đây nhớ đến truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hoá rồng mà rồng lại tượng trưng cho vua chúa nên không được đụng chạm đến. Sau lễ cúng, ba ông táo sẽ được đổi mới còn các ông táo cũ được đem đi đặt ở gó miếu, đình hoặc gốc cây đầu làng – những nơi linh thiêng không ai dám xâm phạm.
Đường phố vào xuân của miền Trung cũng nhộn nhịp và hối hả khắp nơi rộn ràng nô nức đón xuân, bên ngoài người người đi đi, về về để kịp bữa cơm tất niên giao thừa. Cũng như miền Bắc và miền Nam, chiều 30 Tết sẽ làm mâm cơm cúng rồi sau đó mọi người sẽ cùng quay quần bên gia đình, bên mâm cơm đoàn tụ để tiễn năm cũ đón năm mới. Ở miền Trung cũng vậy, mâm cúng tuỳ theo hoàn cảnh sẽ có món mặn gồm thịt heo, thịt gà, các món xào, món canh. Khác với miền Bắc cúng giao thừa phải có một con gà trống thiến thì ở miền Trung chỉ có một ít bánh mứt, trái cây, xôi và chè vì người dân miền Trung cho rằng mâm cúng giao thừa là mâm đón mùng một tết nên cần phải đón nhận những cái gì đó thanh tao và ngọt ngào.
Mặc dù không cầu kỳ trong các nghi lễ cúng gia tiên như ở miền Bắc. Các món ăn ở nơi đây cũng không nhiều và đa dạng như ở những nơi khác song phong tục, thói quen đón tết của người dân miền Trung cũng rất độc đáo, hấp dẫn và góp phần làm đa dạng màu sắc ngày tết của người Việt Nam.
Miền Nam – giản dị và nhẹ nhàng
Mai vàng – tết mang phong cách miền Nam
Vùng đất cuối cùng trên lãnh thổ nước Việt – đó chính là miền Nam sông nước. Khí hậu nơi đây ấp áp, được thiên nhiên ưu đãi nên có lẽ đây là nơi đón tết sung túc nhất. Nếu ở miền Bắc đón tết trong không khí se lạnh của đất trời thì miền Nam lại đón ánh nắng ấm áp vàng tươi như màu những đoá hoa mai lộng lẫy nở rộ vào dịp tết. Ở miền Nam hoa của ngày tết là hoa mai, có lẽ loài hoa này mang đậm chất miền Nam là màu vàng của nắng. Ở đây người dân hiền hoà, đôn hậu, lam lũ với ruộng đồng nhưng khi tết về họ cũng đón tết với những đặc trưng riêng nhất. Đã là nơi sông nước nên giao thông thuỷ rất phát triển, và chính những con sông hoặc bến sông đã trở thành nơi giao thương buôn bán và đây cũng là đặc trưng mà không một vùng miền nào có được – chợ nỗi. Dòng sông rộng lớn bỗng trở nên vô cùng xinh đẹp với những thuyền ghe chở đầy ắp hoa: nào hồng, nào cúc, nào mai… Nơi đây cũng bày bán đủ mọi loại hàng hoá như hoa, bánh, mứt, củ kiệu…..Trên bờ cũng nhộn nhịp không kém với những chợ hoa xinh đẹp thơm ngát cả một vùng.
Đón xuân trên chợ nổi Cái Răng
Ngày tết người dân miền Nam cũng bày mâm ngũ quả cúng ông bà với những loại trái khác nhau mà tên của chúng ghép với nhau tạo nên một câu rất ý nghĩa: cầu, thơm, dừa, đủ, xoài hay cầu, dừa, đủ, xoài, sung….đặc biệt người dân miền Nam không bày chuối và cam lên mâm ngủ quả. Trên bàn thờ gia tiên lúc nào cũng có cặp dưa hấu đỏ vỏ xanh để chưng nhằm bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên và mong ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình một năm sung túc, may mắn và an lành. Vào ngày 23 tết người dân nơi đây cũng làm mâm cúng đưa ông táo về trời. Ngày 30 làm một mâm cơm thịnh soạn để rước ông bà, trong thời gian ông bà ở nhà thì không thể thiếu khói hương trên bàn thờ. Sau ngày mồng 3 tết mới làm lễ đưa ông bà. Mâm cơm cúng 30 thường quy tụ đủ mặt mọi người trong gia đình bên mâm cơm gia đình. Trong mâm cơm ngày tết của người miền Nam không thể thiếu món thịt kho riệu với trứng vịt ăn kèm với dưa cải chua và dưa hấu, món canh không thể thiếu là món canh khổ qua nhồi thịt. Cũng giống như miền Trung, người miền Nam cũng có bánh tét vào ngày tết để cúng gia tiên. Người miền Nam rất xem trọng bàn tiệc ngày xuân vì nó chan chứa lòng thành kính của con cháu đối với tổ tiên ông bà và cùng gia đình quay quần bên nhau cho thêm đầm ấm, an khang. Sau khi đón giao thừa xong người chủ nhà sẻ dựng nêu nhằm tránh ma, quỷ, trừ tà cho cả nhà.
Thịt kho tàu
Nếu miền Bắc tết là dịp để đi thăm chúc họ hàng thì người miền Nam xem tết là dịp đi chơi và nghĩ ngơi cuối năm. Người miền Nam cũng có nhiều phong tục, kiêng kỵ như trong lúc gia thừa tất cả thành viên đều phải có mặt nếu thiếu ai thì xem như người đó cả năm sau phải bôn ba vì sự nghiệp làm ăn. Khách vào nhà lúc nào gia chủ cũng phải dọn bữa ăn, mời rượu, khách không được từ chối dù no cũng phải ăn đôi chút khi ghé vào nhà. Nếu ngày tết để mất chổi nghĩa là năm đó gia đình sẽ bị trộm vét sạch của vì vậy phải cất hết chổi. Trong nhà cái gì cũng phải đầy đủ: gạo, muối, đường, … và đặc biệt là không được quét nhà trong ba ngày tết. Hương vị tết của miền Nam rất riêng, rất đặc trưng khó nơi nào có được.
Tuy cả ba miền có những nét riêng trong phong tục đón tết nhưng cả ba cũng đều có điểm chung chính là mừng tuổi ông bà và lì xì cho trẻ nhỏ để cầu chúc cho ông bà khoẻ mạnh sống lâu với con cháu, cho trẻ em may mắn hạnh phúc và vui vẻ, học hành thật giỏi trong năm mới. Dù cả ba miền có khác nhau như thế nào thì cũng là trong một đất nước nhưng mỗi một miền có một cách đón tết đặc trưng khác nhau, những phong tục ấy càng góp phần làm phong phú thêm lối sống tinh thần của dân tộc. Những phong tục cổ truyền vào dịp lễ tết ấy có lẽ cũng dần dần đơn giản hơn để phù hợp với cuộc sống bận rộn hiện tại. Tuy nhiên, những nét đặc trưng nhất vẫn được duy trì và trở thành nét văn hoá độc đáo của người dân ở mỗi vùng miền và càng làm ngày tết mà mọi người chờ mong háo hức càng thêm có ý nghĩa, càng thêm có giá trị.
Related articles
-
Nghề môi giới ở Việt Nam
Môi giới – một ngành nghề nhiều “thị phi”, nó thườ
-
Những chuyến du lịch nước ngoài của người Việt
Du lịch là một nhu cầu giải trí hấp dẫn đối với nh
-
CÁC ỨNG DỤNG MỘT SMARTPHONE CẤP THẤP NÊN CÓ
Năm 2013 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kỉ
-
Vấn đề xử lý rác ở thành phố Hồ Chí Minh
Vấn đề rác thải rất đáng báo động Với sự phát triể
-
Trường hợp áp dụng khuyến mại của ăn ngoài
Trường hợp áp dụng khuyến mại của ăn ngoài
-
Tương lai của Windows 8
Microsoft ngừng cung cấp windowsXP Nguồn: masterc
-
Cái quái gì o2o? Câu chuyện thành công và tính năng của nó
Trong những năm gần đây, nó là những gì thu hú
-
biện pháp an ninh toàn diện? Hãy cẩn thận trong việc phát triển ứng dụng
phát triển ứng dụng Handy đó là các ứng dụng và
-
Xu hướng ưa chuộng thiết kế của người Việt
Trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin, mỗi ngày
-
Doanh nghiệp Nhật Bản bán điện thoại như thế nào?
Công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động KDDI c